Đối
thoại liên tôn
Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp
Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình HĐGMVN
Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình HĐGMVN
Cái thời đau buồn và đen tối của những cuộc chiến
tranh tôn giáo đang lui dần về quá khứ. Nhân loại văn minh và tiến bộ không còn
chấp nhận việc áp đặt hay cưỡng bức người khác phải chấp nhận một tôn giáo hay
một ý hệ trái với thâm tín của riêng họ. Quyền tự do tín ngưỡng và tự do hành động
theo lương tâm được triệt để đề cao và được nhìn nhận như một thành phần cốt yếu
của nhân quyền.
Trong
lãnh vực tôn giáo, đối thoại còn mang một ý nghĩa và sứ vụ đặc biệt trên hành
trình kiếm tìm chương trình cứu độ nhiệm mầu của Thiến Chúa. Vì thế, “ước muốn đối
thoại không chỉ đơn thuần là một chiến lược để chung sống hòa bình giữa các dân
tộc, mà còn là thành phần chủ yếu trong sứ mệnh của Giáo hội, bởi vì bắt nguồn
trong cuộc đối thoại cứu độ đầy tình yêu giữa Chúa Cha với nhân loại, qua Chúa
Con, trong quyền năng của Chúa Thánh thần. Giáo hội chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh
đúng như cách thế Thiên Chúa đã hành động trong Đức Giêsu Kitô: Ngài đã làm người,
chia sẻ cuộc sống nhân loại và dùng ngôn ngữ nhân loại để chuyển đạt sứ điệp cứu
độ. Đối thoại mà Giáo hội đề nghị được xây dựng trên logíc của Nhập thể. Do đó,
chỉ với tình liên đới nhiệt thành và vô vị lợi mà Giáo hội đối thoại với người Á
châu, là những người đang kiếm tìm chân lý trong tình yêu”.
1- Từ bao dung đến tự do tôn giáo
Trên bình diện cứu độ, thái độ bao
dung và đối thoại còn mang một ý nghĩa thâm sâu hơn. Đây là tiến trình đồng hành
kiếm tìm chân lý, với hy vọng hiểu được đôi chút cuộc đối thoại nhiệm mầu yêu
thương giữa Đấng Tối Cao với con người suốt dọc lịch sử nhân loại. Công đồng
Vatican II khẳng định chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa và mời gọi các tín hữu cố gắng khám phá “hạt
giống Ngôi Lời” mà Thánh Linh không những đã “gieo vào tâm hồn con người” mà còn
gieo nơi “lễ nghi và văn hóa của các dân tộc”.
Theo
Công đồng, để cuộc đối thoại được hữu hiệu, cần can đảm nhìn nhận những điểm đồng
quy và những điểm khác biệt. Tuyên ngôn “Thời đại chúng ta”, về liên lạc của Giáo
hội với các tôn giáo ngoài Kitôâ giáo, công nhận sự đóng góp của các tôn giáo
trong nỗ lực trả lời cho nỗi khắc khoải của con người khi đối diện với những câu
hỏi căn bản về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời; sự hiện diện của khổ đau,
sinh, bệnh, lão, tử; vấn đề giải thoát và hạnh phúc đích thực, v.v.
Công
đồng “không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó.
Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội nhận thấy những phương thức hành động
và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết (của các tôn giáo này), tuy có nhiều
điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng đem lại ánh sáng Chân lý, Chân lý chiếu soi cho hết mọi người
(...). Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động
những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của
các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận
trọng và bác ái với tín đồ của các tôn giáo ấy, nhưng đồng thời vẫn là chứng tá
của đức tin và đời sống Kitôâ giáo” .
Sau
khi đã chân thành nhìn nhận những điểm dị đồng trong gia tài truyền thống, hai
bên sẽ tìm hiểu nguồn gốc của những khác biệt, mà nhiều khi chỉ tùy thuộc vào cách
thức diễn tả của mỗi nền văn hóa. Chủ đích của đối thoại liên tôn là tiến đến một
điểm đồng quy nào đó, vượt lên trên những khác biệt tất nhiên. Dù sao, người
Kitôâ hữu cần ý thức rõ rệt và sáng suốt hơn về chân lý của đức tin. Đây không
phải là một thứ chân lý thuộc loại siêu hình, mà là ân sủng Thiên Chúa ban cho
nhân loại qua Đức Kitôâ. Chính nhờ Đức Kitôâ mà chúng ta nhận thức được phẩm giá
con người, cũng như biết nhận diện tác động của Thánh Linh nơi các tôn giáo khác
nói riêng và trong lòng lịch sử nhân loại nói chung.
Đặc
biệt trong tuyên ngôn về “Tự do tôn giáo”, Công đồng đã can đảm làm một cuộc
chuyển đổi não trạng: bước từ tình trạng chấp nhận, chịu đựng có tính cách tiêu
cực (tolerantia religiosa) sang thái độ trân trọng và đề cao tự do tôn giáo
(libertas religiosa). Theo Công đồng tự do tôn giáo là một quyền căn bản của
con người, “nằm ở chỗ con người không bị cưỡng bức bởi bất cứ một áp lực nào của
cá nhân, của đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Theo
ý nghĩa đó, trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương
tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, cho dù đó là hành động
riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn
chính đáng” .
Quyền
tự do tôn giáo này không xây dựng trên nội dung của niềm tin tôn giáo, bởi vì
trong các niềm tin tôn giáo có thể chứa đựng một số yếu tố tiêu cực và sai lầm.
Trái lại, căn bản của quyền tự do tôn giáo “được xây dựng trên phẩm giá con người,
đúng như Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết được” và trên “phẩm giá của lương tâm” . Mặc dù lương
tâm có thể sai lầm và cũng chẳng hề có tự
do lương tâm tuyệt đối, nhưng không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm
hoặc bị ngăn cấm không được hành động theo lương tâm. Ngoài ra, theo Công đồng,
trong thế giới hôm nay, quyền tự do tôn giáo
còn cần được xây dựng trên cơ cấu pháp lý để thực sự trở thành “một quyền
công dân” .
Tiếp
nối và khai triển đường hướng của Vatican II, giáo chủ Gioan Phaolô II đã đề
cao hoạt động của Thánh linh nơi các tôn giáo. Chính Thánh linh thúc đẩy, thanh
tẩy và cứu vớt không những từng cá nhân mà cả các nền văn hóa và các tôn giáo nữa:
“Thánh linh trao ban cho mọi người, theo một cách thế mà chỉ duy Thiên Chúa biết
được, khả năng được tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh (...). Sự hiện diện và tác động
của Thánh linh không chỉ liên hệ đến mỗi cá nhân, mà còn liên hệ đến xã hội và
lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo (...). Chính Thánh linh đã
gieo “mầm Ngôi Lời”, tiềm ẩn nơi các lễ nghi và văn hóa, và làm cho chúng triển
nở trong Đức Kitôâ” .
Mục
đích của đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố
“chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa” nơi mọi tôn giáo .
Giáo chủ Gioan Phaolô II coi đây là một bước chuẩn bị để thực hiện chương trình
cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, một cách thế “bước đi trong tình huynh đệ, qua đó
chúng ta cùng dẫn dắt nhau tiến về một mục tiêu siêu việt mà Ngài chuẩn bị cho
chúng ta” .
Chính từ viễn tượng cứu độ đó, đức
Gioan Phaolô II đã qủa quyết khi ngỏ lời với các thành viên của Hội đồng Giáo
hoàng về Đối thoại Liên tôn: “Việc đối thoại liên tôn, trên một mức độ sâu xa hơn,
luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng
tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện
với nhân loại” .
“Tài liệu Làm việc” của Thượng Hội đồng
Giám mục Á châu nhìn nhận hoạt động mạnh mẽ và đa dạng của Thánh linh nơi các tôn
giáo và văn hóa Á châu. Có thể coi các tôn giáo truyền thống tại lục địa mênh mông
này như những con đường Thiên Chúa dùng để
dẫn đưa đại đa số dân tộc Á châu đến với Ngài và đây cũng là cách thế Ngài dùng
để gặp gỡ họ .
Trong Tông thư “Giáo hội tại Á châu”,
giáo chủ Gioan Phaolô II tiếp nối suy tư của các Giám mục Á châu để đề cao vai
trò của Thánh linh trong lịch sử cứu độ và trong lòng các tôn giáo Á châu: “Các
Nghị phụ của Thượng Hội đồng đề cập đến hành động đa dạng và đổi thay của Thánh
linh. Ngài liên tục gieo những mầm chân lý giữa các dân tộc, các tôn giáo, các
văn hóa và triết học. Điều này có nghĩa là các tôn giáo, văn hóa và triết học nói
trên có khả năng giúp dân chúng, cá nhân cũng như tập thể, tránh điều dữ và phục
vụ sự sống, cũng như tất cả những gì là thiện hảo... Chính Thánh linh nâng đỡ dân
chúng để họ tìm cách hiểu và chấp nhận nhau. Do đó Thượng Hội đồng có lý khi
quan niệm Thần khí của Chúa như tác giả đầu tiên của cuộc đối thoại giữa Giáo hội
với tất cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo” .
2- Đối thoại và giữ vững căn tính.
Vấn
đề quan trọng khác đang được đặt ra: làm sao dung hòa thái độ đối thoại với việc
giữ vững căn tính của mình? Đặc biệt trên bình diện niềm tin, rao giảng Tin Mừng
và dấn thân vào cuộc đối thoại liên tôn phải chăng là hai điều mâu thuẫn, đối
kháng và loại trừ nhau? Đâu là mối tương quan giữa đối thoại liên tôn với sứ vụ
rao giảng Tin Mừng?
Một số người đồng hóa một cách sai lầm
đối thoại với thái độ “ba phải” hay một thứ “tổng hợp bát nháo” (syncrétisme).
Hình như kinh nghiệm lịch sử làm họ lo sợ tính toàn trị và thái độ bất bao
dung, nếu không muốn nói là cuồng tín của nhiều con chiên ngoan đạo. Chính vì vậy,
họ nghĩ rằng không thể có đối thoại đích thực nếu không sẵn sàng từ bỏ xác tín
và yêu sách nội tại của niềm tin tôn giáo.
Áp đặt quan điểm chính trị và niềm tin
tôn giáo trên tha nhân đã là một thực tế đau lòng và vẫn còn là một nguy cơ thường
xuyên chống lại phong trào đối thoại liên tôn. Nhưng không thể vì đó mà có thể
chấp nhận chủ trương thỏa hiệp bát nháo. Làm như vậy làø không tôn trọng sự khác
biệt giữa người với ta và thiếu chân thành với chính mình. Thật vậy, trong lãnh
vực tư tưởng và niềm tin tôn giáo, không thể chấp nhận thái độ ba phải, xuề xòa,
dễ dãi, chín bỏ làm mười.
Trong
bối cảnh đó người ta hiểu được nỗi băn khoăn và lo lắng của thánh bộ Đức tin
khi công bố Tuyên ngôn “Dominus Jesus”. Nhận định về thuyết tương đối hóa, Tuyên
ngôn viết một cách dứt khoát: “Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội hôm nay đang
gặp nguy hiểm do các thuyết tương đối muốn biện minh cho thuyết đa nguyên tôn
giáo, không những trên thực tế mà còn trên pháp lý hoặc trên nguyên tắc nữa. Các
thuyết này cho rằng một số chân lý đã bị thời gian đào thải, chẳng hạn như tính
cách quyết định và hoàn tất nơi mạc khải của Đức Giêsu Kitôâ, bản chất của đức
tin Kitôâ giáo đối với niềm tin nơi các tôn giáo khác, sự linh ứng của Kinh Thánh,
duy nhất tính cá thể giữa Ngôi Lời vĩnh hằng và Đức Giêsu thành Nazareth, tính
duy nhất trong nhiệm cục cứu độ giữa Ngôi Lời Nhập Thể và Chúa Thánh linh, tính
duy nhất và tính phổ quát về cứu độ của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitôâ, vai trò
trung gian cứu độ phổ quát của Giáo Hội, sự bất khả phân ly giữa Nước Thiên Chúa,
Nước của Đức Kitôâ và Giáo Hội, sự hiện diện của Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitôâ trong Giáo Hội
Công giáo”.
Theo
Tuyên ngôn, các lý thuyết này xây dựng trên một số quan điểm triết học và thần
học, gây rất nhiều khó khăn cho việc chấp nhận chân lý mạc khải. Chẳng hạn “xác
tín cho rằng chân lý về Thiên Chúa không thể lãnh hội và diễn đạt được, cho dù
qua mạc khải Kitôâ giáo; thái độ tương đối hoá đối với chính chân lý, dẫn đến
quan điểm cho rằng điều đúng đối với người này sẽ không đúng đối với người khác;
sự đối nghịch triệt để giữa não trạng luận lý Tây phương và não trạng tượng
hình Đông phương; thuyết chủ quan, xem lý trí như là nguồn duy nhất của tri thức,
trở thành bất lực để hướng cái nhìn lên cao hơn, ngõ hầu dám đạt tới chân lý của
hữu thể; khó khăn trong việc hiểu biết và chấp nhận sự hiện diện trong lịch sử
những biến cố quyết định và chung cuộc; việc tước bỏ chiều kích siêu hình nơi
biến cố Nhập thể của Ngôi Lời vĩnh cửu và việc giản lược biến cố này vào một xuất
hiện thông thường của Thiên Chúa trong lịch sử; quan điểm “tổng hợp bát nháo”
trong nghiên cứu thần học, tiếp thu những tư tưởng triết lý và tôn giáo từ những
nguồn rất khác biệt, mà không bận tâm đến sự hài hoà có tính hệ thống hay sự
dung hợp của chúng với chân lý Kitôâ giáo; cuối cùng, khuynh hướng đọc và giải
thích Kinh Thánh bên ngoài Truyền Thống và Huấn Quyền của Giáo hội” .
Đối
thoại đích thực luôn đòi hỏi làm sao tiếp nhận ý kiến của người, tôn trọng những
nét riêng biệt của họ, mà vẫn không đánh mất căn tính của mình. Nó đòi hỏi cả
hai bên phải ý thức rõ rệt căn tính và bản sắc của mình cũng như của người.
Albert Camus đã nhận định sâu sắc: “Điều
tôi mong muốn nói với quí bạn hôm nay chính là thế giới đang cần cuộc đối thoại
chân chính. Thái độ giả dối cũng như im lặng đều tương phản với đối thoại. Chỉ
có đối thoại thực sự giữa những người chân thành với chính mình và nói sự thật”
. Nói cách khác, không thể có đối thoại đích thực với người, mà đồng thời lại “đánh
lận con đen”, tự lừa dối chính mình.
Hiểu
như vậy, có xác tín, lập trường và trân trọng giữ vững bản sắc của mình không
những không phải là chướng ngại, mà còn là điều kiện cần thiết để có thể đối
thoại thực sự. Rất nhiều lần, những khác biệt giữa ta và người có thể giúp cả
hai mở rộng tầm nhìn và phát triển căn tính. Paul Ricoeur dám nói: “Để có thể là
mình, hãy đối thoại với người; nhưng để đối thoại với người, mình phải là
mình”. Mấy chục năm về trước, Martin Buber đã quả quyết: “Tôi trở nên người thành
toàn qua tương giao với Anh; khi trở thành Tôi, tôi gọi Anh. Tất cả cuộc sống đích
thực bao hàm gặp gỡ” .
Một
cuộc đối thoại đích thực đòi hỏi phải đảm nhận đồng thời hai yếu tố có vẻ trái
ngược, nhưng bổ túc nhau: giữ căn tính của mình và tôn trọng quan điểm của người.
Phải chăng đó là thái độ lương thiện trí thức? Người xưa thường nói: “quân tử hòa
nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Còn đối với triết gia Jean Lacroix,
“chúng ta đã có thể định nghĩa cuồng tín là thiếu vắng đối thoại. Trái lại, lương
tâm chính là đối thoại. Triết gia phải là người đối thoại tuyệt diệu” .
Với
những gì vừa trình bày ở trên, để có thể thực hiện đúng đắn cuộc đối thoại giữa
Kitôâ giáo với các tôn giáo khác, thiện chí mà thôi chưa đủ. Cần được chuẩn bị đầy
đủ về trí thức, tâm linh và đạo đức. Đặc biệt cần có một tấm lòng rộng mở để đón
nhận linh ứng của Thánh linh, bất cứ từ đâu đến và bất cứ do ai nói .
Về
điểm này đại sư Buddhadasa có những nhận định rất chí lý: “Mang tinh thần đối
thoại hoàn toàn không có nghĩa là ngây thơ tin tưởng hoặc làm cho người ta có cảm
tưởng rằng mình nghĩ là vị thế của đối phương tiên quyết đã ưu việt hơn mình, bởi
vì nếu mỗi người đối thoại hăm hở bênh vực quan điểm của đối phương thì cuối cùng
ai sẽ đối thoại với ai đây? Mỗi người tham gia đối thoại cần phải đào sâu không
những kiến thức của mình về Đạo của người, mà cả kiến thức về lý thuyết của Đạo
mình nữa”
Đây
cũng là vấn đề hội nhập văn hóa với hai chiều hỗ tương: một đàng đức tin phải được
diễn tả bằng chính những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc; đàng khác nhiệm vụ của
các tín hữu là cố gắng làm sao để giá trị của Tin Mừng thấm nhập và soi sáng
sinh hoạt văn hóa. Tiến trình này là một tiến trình song đôi: Yêu sách hội nhập
đòi hỏi phải phân tích, phê phán, đánh gía lại những hình thức và cách thế
trình bày lòng tin mang nặng sắc thái văn hóa Tây phương và có thể làm lu mờ niềm
tin đích thực. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải can đảm làm một cuộc “vượt
qua” và thăng hoa dưới ánh sáng của Tin Mừng, để lột bỏ những gì tiêu cực, khiếm
khuyết hay dính dấp tội lỗi nơi mỗi văn hóa...
3- Thách đố của đối thoại liên tôn
Nếu
đối thoại là một công tác nhiêu khê thì đối thoại liên tôn càng cam go và căng
thẳng hơn, vì chính ở đây chúng ta động chạm tới những gì được coi như bất khả
xâm phạm: xác tín và niềm tin. Đại sư Buddhadasa thú nhận “đối thoại là một công
tác khó khăn và hao tổn: nó thực sự đưa đến những mối căng thẳng tâm lý cá nhân
và tập thể. Trên bình diện cá nhân, đối thoại thực sự gây xáo trộn, bởi vì nó
bao hàm rằng người ta phải bảo vệ bản sắc của mình, như đã thấy ở trên, đồng thời
chấp nhận kẻ khác thực sự có thể dạy được cho ta một điều gì đó; điều này có
nghĩa là chúng ta có thể phải thay đổi lối nhìn của chúng ta đối với một số điểm
mà cho đến bây giờ chúng ta cho là đương nhiên. Đó là một thử thách có tác dụng
thanh tẩy, có thể phong phú hóa việc tiếp thu những giá trị và giúp chúng ta đào
sâu hơn ý nghĩa việc lệ thuộc tôn giáo của chính chúng ta.
Trên
bình diện tập thể, phải chăng người hay tiếp xúc với những người khác tôn giáo
và cố gắng tìm hiểu họ thường dễ bị những người trong cộng đoàn nghi ngờ là lạc
giáo, thiếu niềm tin, bị cám dỗ tìm kiếm nơi khác điều họ nghĩ là không thể tìm
gặp nơi tôn giáo của mình, tóm lại không còn là một Phật tử thuần thành hoặc một
Kitôâ hữu tốt nữa?” .
Xưa
cũng như nay, thách đố gay go nhất của đối thoại liên tôn là làm sao thực hiện
tốt hành trình truy tầm chân lý cách chân thành và đích thực, không có ý đồ áp đặt
quan điểm của mình trên người khác, nhưng đồng thời cũng không đánh mất căn
tính riêng và bổn phận rao giảng Tin Mừng. Từ đó, một số câu hỏi căn bản sẽ được
đặt ra: Khi Giáo hội chủ trương đối thoại với các tôn giáo khác, phải chăng đã
gián tiếp chấp nhận không cần phải rao giảng Tin Mừng hay ít nhất đã từ bỏ “vai
trò cứu độ độc nhất của Đức Kitô”â? Trái lại, nếu tích cực rao giảng Tin Mừng và
mời gọi đồng loại gia nhập Đạo Chúa, thì phải chăng đã đương nhiên phủ giá trị
của đối thoại liên tôn?
Một số văn kiện mới đây của Giáo hội như thông
điệp “Dominum et vivificantem”(1986) và “Redemptoris Missio” của đức Gioan
Phaolô II, tài liệu “Đối thoại và Rao giảng” của Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại
liên tôn và Thánh bộ Truyền giáo, tài liệu “Kitôâ giáo và các tôn giáo khác” của
Ủy ban thần học quốc tế, tài liệu của Thượng hội đồng Giám mục Á châu, Tông thư
“Giáo hội tại Á châu”, tuyên ngôn của Thánh bộ Đức tin “Dominus Jesus”(2000)...
đã trực tiếp trả lời cho những câu hỏi hóc búa nói trên. Nói một cách tổng quát,
đối thoại và rao giảng Đức Kitôâ mỗi bên có sắc thái và nhiệm vụ riêng, nhưng cả
hai đều cần thiết và liên kết chặt chẽ trong sứ vụ của Giáo hội nói chung và của
mỗi Kitôâ hữu nói riêng. Từ chối rao giảng Tin Mừng là phản bội lý tưởng Kitôâ
giáo và đánh mất căn tính của mình. Nhưng trong bối cảnh đa phức tôn giáo hôm
nay, loan báo Tin Mừng nên được thực hiện qua dạng thức đối thoại liên tôn.
Quan
niệm liên kết đối thoại và rao giảng Tin Mừng được coi như chủ trương căn bản của
Giáo hội hôm nay. “Cả hai đều chính đáng và cần
thiết. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau nhưng không thay thế cho nhau: đối
thoại liên tôn chân thật của người Kitôâ hữu phát xuất từ ước muốn làm cho người
khác biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitôâ mỗi ngày nhiều hơn, còn rao truyền Chúa
Giêsu Kitôâ phải được thực hiện trong tinh thần đối thoại của Phúc âm. Hẳn nhiên,
hai lãnh vực này độc lập, nhưng, như kinh nghiệm cho thấy,... cùng một con người
duy nhất có thể dấn thân một cách khác nhau vào lãnh vực này hay lãnh vực kia”
.
Nói
tóm lại, tất cả Kitôâ hữu được mời gọi để thực thi sứ vụ truyền bá Tin Mừng và
trong thế giới hôm nay, đối thoại được coi là một phương thế hay nhất để thực
thi sứ vụ đó. Động cơ thâm sâu của sứ vụ truyền bá Tin Mừng này nằm ở mầu nhiệm
tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy chúng ta loan báo Tin
Mừng cho anh em ta. Đây là một tặng vật tình yêu được trao tặng cho đồng loại,
với tất cả sự chân thành, trân trọng và yêu thương. Thực vậy, nếu chúng ta “thực
sự yêu mến Chúa Kitôâ thì không thể không chia sẻ tình yêu đó cho người khác” .
Theo
Tông thư Giáo hội tại Á châu, “nhìn từ viễn quan Kitôâ giáo, đối thoại liên tôn
không phải chỉ là cách thế giúp hiểu biết và phong phú hóa lẫn nhau, mà hơn nữa
là một thành phần của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, một biểu lộ của sứ vụ đối với dân ngoại. Qua đối thoại liên
tôn, người Kitôâ hữu trình bày xác tín về sự viên mãn của ơn cứu độ chỉ đến từ Đức
Kitôâ và Giáo hội mà họ là thành viên (...). Mặc dù Giáo hội vui mừng nhìn nhận
tất cả những gì là chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của
Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, như một phản ảnh của chân lý soi sáng mọi người,
điều đó không giảm thiểu trách nhiệm và bổn phận của Giáo hội đối với việc cương
quyết rao giảng Đức Kitôâ như là “Đường, Sự thật và Sự sống”(...) Sự kiện tín đồ
các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa và được Đức Kitôâ cứu
độ bên ngoài những phương tiện thông thường mà Ngài đã thiết lập, không loại trừ
lời mời gọi chấp nhận đức tin và chịu phép rửa mà Thiên Chúa muốn cho mọi dân tộc”
.
Tiếp
nối chiều hướng đối thoại mà Công đồng Vatican II đã khai mở cho Giáo hội, Tuyên
ngôn “Dominus Jesus” của Thánh bộ Đức tin cũng nhìn nhận vai trò và giá trị của
đối thoại liên tôn. Tuyên ngôn tái khẳng định: “Nhìn nhận một cách cởi mở và
tích cực các giá trị mà các truyền thống tôn giáo đã làm chứng và cống hiến cho
nhân loại, Tuyên ngôn của Công đồng về Liên Lạc của Giáo Hội với các tôn giáo
ngoài Kitô giáo khẳng định: "Giáo Hội không hề phủ nhận những gì là chân
thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Giáo hội nhìn nhận, với lòng kính trọng
chân thành, những cách thế hành động và lối sống, những giới luật và giáo thuyết đó, mặc dù trong nhiều
điểm có khác biệt với điều mà Giáo hội duy trì và chủ trương, tuy nhiên cũng thường
mang lại một tia sáng chân lý chiếu soi mọi người” . Tiếp nối trong cùng một
chiều hướng suy nghĩ này, sứ vụ rao giảng Chúa Giêsu Kitô, "Đường, Sự Thật
và Sự Sống" (Ga 14, 6), được thể hiện hôm nay qua con đường đối thoại liên
tôn. Tuy nhiên cuộc đối thoại này chắc chắn không thay thế, mà đúng hơn đồng hành với sứ vụ đi tới các dân tộc
(missio ad gentes) (...). Cuộc đối thoại liên tôn này, thành phần của sứ vụ rao
giảng Tin Mừng của Giáo Hội, bao hàm thái độ cảm thông, mối tương quan hiểu biết
hỗ tương và làm giàu cho nhau, trong sự vâng phục chân lý và tôn trọng tự do” .
Hiểu
theo ý nghĩa đó, rao giảng Tin Mừng không những không tương phản với đối thoại
liên tôn, mà còn nhìn nhận một số giá trị cứu độ nơi các tôn giáo khác. Muôn đời
rao giảng Tin Mừng vẫn là sứ vụ cương yếu của Giáo hội, nhưng trong bối cảnh đa
phức tôn giáo và đa diện văn hóa hôm nay, rao giảng Tin Mừng cần được thực hiện
dưới dạng thức đối thoại liên tôn. Thần học gia Dòng Đa-Minh người Pháp, Claude
Geffré, nhận định một cách sâu sắc và xác đáng ý nghĩa của rao giảng Tin Mừng
trong thời đại chúng ta: “Chắc chắn, hôm nay chúng ta có cái nhìn tích cực hơn
về khả năng cứu độ của các tôn giáo khác, tuy nhiên vẫn duy trì tất cả sự cần
thiết của sứ vụ rao giảng Tin Mừng, ngay
cả khi mục đích của nó không còn là ước muốn bằng mọi cách bành trướng Giáo hội
dưới chiêu bài là cần phải trở lại với Kitôâ giáo và cụ thể hơn với Công giáo để
được cứu độ. Bất chấp khả năng của mọi người có thể đạt tới ơn cứu độ hay không,
sứ vụ của Giáo hội luôn luôn vẫn là rao truyền rằng Nước Trời đã đến qua Đức Giêsu–Kitôâ,
và tất cả những ai hành động theo Tin Mừng, cũng hành động một cách bí ẩn để thực
hiện Nước Trời trong Đức Giêsu–Kitôâ. Như vậy, trọng điểm của sứ vụ truyền giáo
nằm ở việc rao giảng Nước Trời và sự tới đến của nó trong Đức Giêsu–Kitôâ hơn là
nhấn mạnh đến việc cần thiết gia nhập Giáo hội để được cứu độ” .
Mặt
khác, trong bối cảnh đa phức tôn giáo và toàn cầu hóa hôm nay, đối thoại liên tôn
không thể chỉ dừng lại ở phạm vi ngôn từ và lý thuyết. Nếu Giáo hội công giáo
muốn đối thoại hữu hiệu với các tôn giáo và con người hôm nay thiết tưởng cần
trả lời cho những thách đố và yêu cầu của thời đại. Để có thể đối thoại hữu hiệu,
hai thách đố đặc biệt đang đặt ra cho Giáo hội tại Á châu: khả năng dấn thân phục
vụ con người, đặc biệt những người nghèo, những người bị loại trừ, những người
không có tiếng nói... và khả năng trả lời cho những nhu cầu tâm linh sâu thẳm của
con người thời đại, đặc biệt của giới trẻ.
Thêm
vào đó, sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho người Á châu hôm nay có đặc điểm hỗ tương:
vừa trao tặng, vừa lãnh nhận. “Hãy theo cung cách của chính Đức Giêsu, là nói
cho người ta biết Thiên Chúa đang ở giữa họ, ngay trong lòng họ, bây giờ và tại
đây, chứ không phải tại Giêrusalem hay ở một nơi nào khác, một thời nào khác. Nói
khác đi, chính từ thứ nước uống hằng ngày mà người ta có thể khám phá ra nước hằng
sống (x. Ga 4,7-26). Bởi vì chính Thiên Chúa đã sáng tạo nên vạn sự, do đó, một
cách nào đó, phải nói rằng sự hiện hữu của các tôn giáo ngoài Kitô giáo, cũng đều
do sự quan phòng của Ngài” .
Theo
cung cách đó, tiến trình rao giảng Tin Mừng sẽ không làm cho ai bị nghèo nàn
hay phải mất mát bản sắc văn hóa của mình. Trái lại, sẽ phong phú hóa cả người
cho lẫn người nhận. Tông thư “Giáo hội tại Á châu” viết: “Các Kitôâ hữu tại Á
châu có thể được hưởng những yếu tố chung với tín đồ của các tôn giáo và văn hóa
khác của Á châu, chẳng hạn, với Hồi giáo thái độ qui chiếu tất cả nơi ý định của
Thiên Chúa, với các tín đồ Ấn giáo việc thực nghiệm tâm linh, chiêm niệm, hành động
từ bỏ và tinh thần bất bạo động, với các Phật tử thái độ siêu thoát và từ bi, với
Khổng giáo đức hiếu thảo và nhân bản, với tín đồ Đạo giáo thái độ giản dị và
khiêm hạ, với tôn giáo cổ truyền thái độ ân cần và trân trọng đối với thiên nhiên.
Giáo hội tại Á châu có thể cống hiến rất nhiều cho tín đồ các tôn giáo khác: giá
trị của hòa giải và an bình, tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, phẩm giá thánh
thiêng của tất cả các nhân vị, tình yêu thương và dấn thân phục vụ tha nhân nhân,
giáo huấn xã hội của Giáo hội, thăng tiến con người dưới mọi hình thức, giá trị
của khổ đau và hiến thân phục vụ là trung tâm của mầu nhiệm Đức Giêsu Kitôâ” .
Dưới
tác động của Thánh linh, mỗi tín hữu được mời gọi lên đường. Cần can đảm kiếm
tìm những cách thế tốt nhất, hữu hiệu nhất và phù hợp với Tin Mừng nhất để trao
tặng cho tha nhân những chứng từ của tình yêu Thiên Chúa và dẫn dắt nhau tiến về
mục tiêu siêu việt. Đây là một hành trình khó khăn, thăm thẳm và diệu vợi.
Liệu
có kết qủa gì không? Sẽ đi về đâu và cho đến bao giờ? Chẳng ai có thể trả lời
thỏa đáng câu hỏi trên. Nói cho cùng, “chỉ duy Thiên Chúa biết lúc nào và vào
giai đoạn nào sẽ hoàn thành hành trình thăm thẳm mà con người đang lần bước tìm
gặp Ngài” . Cũng chỉ duy Ngài có khả năng viết những dòng chữ thật thẳng bằng
những nét ngoằn nghèo, hay vẽ những đường cong tuyệt mỹ với những nét thẳng.
Nhiệm vụ của chúng ta trong lúc này là mạnh dạn dấn thân vào con đường đối thoại
với tất cả khả năng của trí tuệ, sức mạnh của con tim và niềm tin tưởng lạc
quan nơi quyền năng của Thiên Chúa, Đấng tác tạo và hướng dẫn muôn vật theo kế
hoạch yêu thương nhiệm mầu của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét